GAN NHIỄM MỠ KHÔNG DO RƯỢU
Gan nhiễm mỡ (GNM) được xác định khi lượng mỡ tích lũy vượt quá 5% trọng lượng gan và trong tế bào gan chứa nhiều không bào mỡ.
GNM là biểu hiện đầu tiên của một chuỗi bệnh lý gan do mỡ tích tụ gây ra, nếu không được chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa kịp thời, bệnh có thể tiến triển đến viêm gan, xơ gan, thậm chí là ung thư gan. Trong những năm gần đây các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước đều chỉ ra rằng, tỉ lệ GNM không do rượu ngày càng có biểu hiện tăng lên. Nguy hiểm hơn là ngay cả trẻ em cũng đã xuất hiện GNM không do rượu.
NGUYÊN NHÂN GÂY RA GNM KHÔNG DO RƯỢU
Có 4 cơ chế chính gây ra sự tích tụ mỡ trong tế bào gan, đó là do chế độ ăn uống quá nhiều dầu mỡ hoặc các acid béo đặc biệt là mỡ động vật quá bão hòa hoặc tăng sự phân phối mỡ đến tế bào gan, do tăng sự tổng hợp acid béo ở ty lạp thể hoặc giảm quá trình ôxy hóa mỡ trong tế bào gan, do giảm sự bài xuất tế bào mỡ ra khỏi tế bào gan và do sự tăng vận chuyển carbonhydrat đến gan quá nhiều. Do đó nguyên nhân gây ra GNM không do rượu có nhiều, song có thể chia làm mấy nhóm sau:
GNM do dinh dưỡng: bao gồm thành phần thức ăn không hợp lý, có nhiều chất béo, hấp thu quá nhiều đường, thói quen ăn uống không tốt, chế độ sinh hoạt không điều độ (ngồi nhiều, ít vận động, tinh thần suy nhược, căng thẳng), di truyền (nếu trong gia đình có nhiều người bị béo phì). Trong đó béo phì là nguyên nhân gây ra GNM thường gặp ở các nước phương Tây. Tuy nhiên trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, sự dư thừa trong chế độ ăn uống, nhất là ăn uống không hợp lý: quá nhiều thịt, mỡ, sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá... kết hợp với áp lực công việc căng thẳng, stress kéo dài, cuộc sống làm việc tĩnh tại, ít vận động... làm cho tỉ lệ thừa cân - béo phì ở nước ta tăng lên với khoảng hơn 20% dân số. GNM hiện diện ở 80 - 90% bệnh nhân mắc bệnh béo phì và liên quan đến mức độ béo phì.
GNM do nội tiết, do bệnh đái tháo đường (ĐTĐ): trong đó thường gặp hiện nay là GNM ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2. Đây là thể ĐTĐ có thừa cân và béo phì, ngoài ra còn có vai trò của tăng đề kháng insulin làm tăng triglicerid máu, được nhìn nhận dưới góc độ thời sự hiện nay là hội chứng chuyển hóa. Một số trường hợp tiến triển sang viêm gan mỡ và xơ gan. Nguyên nhân gây ra thâm nhiễm mỡ ở gan trên những bệnh nhân ĐTĐ týp 1 là tăng sự giải phóng acid béo từ các mô mỡ thứ cấp thành đường huyết và sự thiếu hụt nồng độ insulin.
Ở những bệnh nhân ĐTĐ týp 2, nguyên nhân gây ra tình trạng thâm nhiễm mỡ là do tăng chất béo và đường trong khẩu phần ăn và sự tăng chuyển hóa đối với các acid béo. GNM được cải thiện ở những bệnh nhân ĐTĐ týp 2 sau khi loại bỏ lượng mỡ và carbonhydrat dư thừa trong khẩu phần ăn và giảm trọng lượng cơ thể.
Các nguyên nhân khác: GNM do chất hóa học: nhiễm độc phosphor, arsenic, chì..., GNM do miễn dịch: GNM do dùng một số loại thuốc có thể dẫn đến bệnh như các loại corticoid, tetracyclin, các thuốc kháng ung thư, thuốc hormon sinh dục nữ...
NHẬN BIẾT GNM BẰNG CÁCH NÀO?
Bệnh GNM có thể không có triệu chứng, khi xuất hiện thường là không đặc hiệu, có thể có các triệu chứng như mệt mỏi, đau tức hạ sườn phải, gan to vừa phải, mềm bờ tù, không đau, chỉ tức nhẹ khi ấn.
Nói chung, triệu chứng lâm sàng nghèo nàn, phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, chẩn đoán thường dựa vào siêu âm và để chẩn đoán chính xác phải dựa vào sinh thiết gan. Trên siêu âm, thường chia GNM làm 3 độ:
GNM độ 1: gia tăng nhẹ độ hồi âm lan tỏa của nhu mô, mức độ hút âm chưa đáng kể, vẫn còn xác định được cơ hoành và đường bờ các tĩnh mạch trong gan.
GNM độ 2: gia tăng độ hồi âm lan tỏa của nhu mô, khả năng xác định được cơ hoành và đường bờ các tĩnh mạch trong gan bị giảm nhiều.
GNM độ 3: gia tăng rõ rệt độ hồi âm lan tỏa của nhu mô, mức độ hút âm tăng mạnh đến mức khó xác định được cơ hoành và đường bờ các tĩnh mạch trong gan.
ĐIỀU TRỊ THEO NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH:
Nói chung về điều trị GNM chủ yếu là dự phòng và làm giảm nguy cơ gây ra GNM, vì vậy với bệnh lý GNM không do rượu, cần hạn chế ăn nhiều đường và mỡ, tập thể dục thường xuyên, tránh các thuốc gây độc cho gan và điều trị theo nguyên nhân gây ra bệnh GNM.
Điều trị viêm gan virut nếu có
Nếu có bệnh lý rối loạn lipid máu thì sử dụng các thuốc chống tăng mỡ máu như nhóm fibrat (lypanthyl, lipavlon), nhóm lovastatin hoặc simvastatin, vitamin E liều cao cũng có tác dụng góp phần làm giảm tình trạng GNM.
Nếu có bệnh lý ĐTĐ, cần tuân thủ chặt chẽ chế độ ăn, chế độ sinh hoạt, làm việc và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Tùy tình trạng nhiễm mỡ và điều kiện kinh tế của bệnh nhân mà có thể cân nhắc sử dụng các loại thuốc chống thoái hóa mỡ ở gan như livolin H, methionin hay silimarin.
Điều cuối cùng, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, nhất là các thuốc có khả năng gây độc cho gan nói chung và khả năng gây nên bệnh lý GNM nói riêng, như đã trình bày ở trên, người bệnh cần có ý kiến của bác sĩ để tránh xảy ra các hậu quả đáng tiếc.
ThS. Nguyễn Bạch Đằng
- Tác Hại Của Việc Nhuộm Tóc (13.12.2022)
- Tác Hại Của Việc Nhổ Tóc Bạc (13.12.2022)
- Thực Phẩm Giúp Cải Thiện Tình Trạng Tóc Bạc Sớm (13.12.2022)
- Nguyên nhân gây tóc bạc sớm ở nam và cách khắc phục (13.12.2022)
- Phương Pháp Làm Trắng Da Toàn Thân Từ Dược Liệu Thiên Nhiên An Toàn , HIệu Quả (13.09.2022)
- Top 7 Loại Thực Phẩm Giúp Cân Bằng Nội Tiết Tố Nữ (13.09.2022)